Nhu cầu nuôi chim Công làm cảnh ngày càng trở nên phổ biến ở thị trường Việt Nam cũng như nhiều thị trường trên thế giới. Bởi vậy, giá để mua một đôi chim Công trên thị trường ngày càng cao, một đôi trưởng thành hiện tại có giá giao động từ 15-20 triệu đồng. Để đảm bảo cho Công phát triển khỏe mạnh, chuồng trại chỉ cần đảm bảo được 2 yêu tố chính đó là sạch sẽ và khô thoáng.
Mô hình nuôi Công ngày một phổ biến tại nhiều tỉnh thành Miền Bắc
Bản tính của chim Công vốn đã rất thông minh, chúng ta có thể nuôi thả trong sân tương tự như gà mà không cần phải lo chúng bay đi mất, với điều kiện phải được nuôi nấng, chăm sóc từ nhỏ. Ở nước ta mô hình nuôi cũng được công nghiệp hóa không có mấy khác biệt so với nuôi gà. Tuy nhiên, cách làm chuồng trại cũng như mật độ nuôi của chúng khác biệt đôi chút.
Thiết kế một chiếc chuồng nuôi Công tương đối đơn giản, chỉ cần đảm bảo được sự thông thoáng vào mùa hè và ấm áp vào mua đông. Người nuôi dựa vào số cá thể đang nuôi dưỡng mà bố trí chuồng trại sao cho phù hợp. Theo đúng tiêu chuẩn, mỗi ô chuồng có thể nuôi được từ 4 – 6 cá thể công trưởng thành hoặc 10 – 15 cá thể công từ 6 tháng đến 1 năm tuổi và được thiết kế như sau: Chiều rộng đạt từ 3.5 – 4 mét, chiều dài đảm bảo từ 5 – 6 mét và chiều cao từ 2.7 – 3 mét.
Bên cạnh đó, cũng có thể tận dụng những chiếc nhà kho, xưởng, chuồng gà hay chuồng lợn bỏ trống để cải tạo chúng thành chuồng nuôi. Tuy nhiên, cần bố trí thêm 1 vài chuồng phụ tùy theo số lượng chăm sóc những chú Công bị thương hoặc bị bệnh để tránh lây lan ra cá thể khác.
Theo kinh nghiệm nuôi Công nhiều năm của mình, ông Khởi nói thêm: Làm chuồng trại có thể dùng những vật liệu sẵn có như tre, nứa hoặc dùng lưới B40 hoặc lưới mắt cáo để làm vách ngăn. Nóc chuồng có thể dùng lưới nhựa để ngăn chim bay ra. Bên cạnh đó, nên thiết kế mái bằng các tấm lợp nhựa để tránh nắng hoặc trú mưa cho Công. Tuyệt đối không dùng cước nilon hoặc lưới thép nhỏ để tránh việc chúng nghĩ đó là thức ăn, khi ăn phải những thứ này Công có thể bị thủng ruột hoặc thắt diều. Khi đó thiệt hại là vô cùng lớn.
Trang trại nuôi Công của nhà ông Khởi
Ngoài thiết kế chuồng trại, vấn đề vệ sinh khu vực nuôi cũng vô cùng quan trọng, chuồng nuôi phải đảm bảo được luôn được khô thoáng để đề phòng bệnh dịch. Để phòng ngừa giun sán cho Công có thể sử dụng cát vàng rải xuống nền, cách này còn có thể hút ẩm và giữ vệ sinh cho chúng. Nếu có thể, hãy thiết kế những phần sân phía trước có sử dụng các nhành cây để cho Công có thể tắm nắng và bay nhảy thoải mái.
Chi phí cần thiết để đầu tư và xây dựng chuồng trại nuôi trên thực tế khá thấp cùng cách làm chuồng cũng rất đơn giản. Tuy nhiên, cần phải đảm bảo được tiêu chuẩn về mật độ nuôi như đã nêu ở trên cùng với các tiêu chuẩn về vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông là những chú Công luôn khỏe mạnh và tránh được bệnh tật.
Chia sẻ về chuồng trại của mình ông nói thêm: “Như trang trại của gia đình tôi đang mở rộng ra khoảng 500m2, nhưng chi phí mua vật liệu xây dựng và thiết kế chuồng chỉ hết khoảng vài chục triệu đồng, quan trọng là phải bố trí thêm nhiều cành cây trong chuồng để chim bay đậu cho thoải mái thì mới nhanh lớn và có lông đẹp được”.
Theo: Dân Việt